Thách thức trước mắt – Lối đi nào cho ngành sản xuất lúa gạo Việt Nam?

Từ lâu, Việt Nam đã trở thành 1 trong những quốc gia hàng đầu thế giới về sản xuất, chế biến và xuất khẩu lúa gạo. Liên tiếp trong 3 năm từ 2017 đến 2019, giống lúa ST24 của Việt Nam đạt danh hiệu top 3 gạo ngon thế giới, đặc biệt năm 2020, ST25 chính thức trở thành Gạo ngon nhất thế giới. Bên cạnh đó, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Châu Âu (EVFTA) chính thức có hiệu lực từ 1/8/2020 ngay lập tức đã mở ra nhiều cơ hội cho nhiều mặt hàng nông sản, trong đó có gạo.

Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ NN&PTNT) cho biết: “Việc xuất khẩu một số sản phẩm gạo mang thương hiệu Việt Nam sang thị trường EU không chỉ mở ra cơ hội lớn mà còn đánh dấu mốc sản phẩm gạo mang thương hiệu Việt Nam chính thức ghi danh trên thị trường quốc tế”.

Để duy trì các lợi thế và nâng cao hiệu quả canh tác theo hướng bền vững, ngành lúa gạo cần làm gì?.

Thách thức trước mắt

Ngành sản xuất lúa gạo Việt Nam còn nhiều thách thức lớn
Ngành sản xuất lúa gạo Việt Nam còn nhiều thách thức lớn

Để phát triển sản xuất lúa gạo bền vững, có những vấn đề mà tự thân người nông dân không dễ gì vượt qua được. Cụ thể như ở Việt Nam cũng như các nước khác ở tiểu vùng sông Mê-Kông, xu hướng thâm canh tăng vụ đi kèm với đẩy mạnh sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Các hộ sản xuất lúa quy mô nhỏ thường thiếu những kỹ thuật canh tác phù hợp để sản xuất lúa chất lượng cao.

Bên cạnh đó lúa gạo ở Việt Nam rất khó truy xuất nguồn gốc. Các công ty gạo chủ yếu dựa vào hệ thống thu mua thông qua thương lái nên rất khó truy xuất nguồn gốc của lúa gạo và làm suy yếu chất lượng của các sản phẩm gạo. Việt Nam chủ yếu xuất khẩu gạo trắng ở phân khúc thị trường cấp thấp. Với chất lượng thấp và giá rẻ, Việt Nam dễ dàng xuất khẩu sang các nước có thu nhập thấp hơn. Tuy nhiên, danh tiếng của Việt Nam tại phân khúc thị trường cấp thấp cùng với việc thiếu vắng một thương hiệu quốc gia cũng góp phần làm cho giá bán lúa gạo của nông dân thấp.

Khi công nghệ là xu hướng

Trước những thách thức đang đặt ra, những bước đi ban đầu như việc ứng dụng các trang thiết bị hiện đại vào quá trình sản xuất lúa gạo có thể coi là xu hướng tất yếu nhằm giúp gia tăng sản lượng lúa gạo vào mỗi vụ thu hoạch.

Tại cánh đồng lúa ở huyện Hòn Đất (tỉnh Kiên Giang) với diện tích khoảng 400 hecta có ít nhất 12 chiếc máy gặt đập liên hợp hoạt động cùng lúc. Anh Dư – một nông dân đang thuê máy gặt đập liên hợp để thu hoạch 4 sào lúa của mình, chia sẻ: “Ruộng của chú năng suất ước chừng 400 kg/sào (8 tấn/ha). Giá thuê máy gặt đập khoảng 110.000 đồng/sào nhưng nếu thu hoạch bằng thủ công thì chi phí gấp 3 lần. Tính ra, chi phí thu hoạch 4 sào lúa này, chú tiết kiệm hơn 800.000 đồng. Đây là một số tiền không nhỏ của nông dân.”

Người nông dân sử dụng máy gặt đập liên hợp giúp gia tăng năng suất
Người nông dân sử dụng máy gặt đập liên hợp giúp gia tăng năng suất

Bên cạnh việc áp dụng máy gặt đập liên hợp, người nông dân nên ứng dụng hệ thống tưới cây bằng điện thoại nhằm giảm thiểu nguồn nhân công làm việc và tối ưu hóa sản xuất bằng việc ứng dụng máy bay không người lái trong quá trình phun thuốc trên cánh đồng. Máy bay không người lái có thể phun trên diện tích rộng và những địa hình phức tạp trong phạm vi điều khiển 7.000m, dung tích tối đa có thể lên tới 10 lít nước, công suất phun đạt 2-3ha/giờ.

Hơn hết, việc sử dụng máy bay không người lái sẽ an toàn hơn cho người nông dân vì không phải tiếp xúc trực tiếp với hóa chất. Việc đưa máy bay không người lái vào sản xuất mang lại nhiều ý nghĩa, góp phần tạo động lực thúc đẩy, đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp để nâng cao năng suất lao động, và thúc đẩy sản xuất hàng hóa trong lĩnh vực trồng trọt.

Khi người nông dân rẽ lối

Ở vùng Đồng bằng Sông Cửu Long, đã xuất hiện tín hiệu vui khi một số doanh nghiệp dám đi tiên phong trong tái cơ cấu ngành sản xuất lúa gạo, trong đó, Tập đoàn Tân Long là một ví dụ trong việc áp dụng mô hình hợp tác xã kiểu mới.

Để tạo điều kiện cho sự phát triển những mối quan hệ kinh doanh lâu dài giữa các doanh nghiệp và tổ chức nông dân. Cùng với các hợp tác xã, các doanh nghiệp và cơ quan chức năng, những doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh gạo lớn, như Tân Long, hướng tới mục tiêu phổ biến mô hình kinh doanh gạo bền vững cùng người nông dân trồng lúa tại Việt Nam.

Việc liên kết sản xuất bao tiêu lúa gạo theo mô hình chuỗi giá trị thông qua các hợp tác xã là một trong những giải pháp quan trọng trong thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Thực hiện liên kết sản xuất, Tân Long cam kết đồng hành cùng nông dân không chỉ là giá thu mua tốt hơn thị trường, mà là cả sự gắn kết, chia sẻ khó khăn của doanh nghiệp. Bởi, có một thực tế là nhiều doanh nghiệp chỉ liên kết hợp tác với nông dân vào mùa thuận (vụ lúa đông xuân), còn vào mùa vụ khó khăn (vụ lúa hè thu), khi cây lúa phải đối mặt với thời tiết bất lợi, dịch bệnh… thì doanh nghiệp ít hợp tác liên kết!

Với hệ thống nhà máy và kho lưu trữ lớn, lại sắp đưa vào hoạt động Nhà máy Gạo Hạnh Phúc với quy mô lớn nhất nhì Châu Á, điều kiện xây dựng bến, bãi để tập kết và dự trữ hàng hóa; luôn chủ động về vốn lưu động và phương án tiếp cận vốn ngân hàng, Tân Long tự tin trong những cam kết cùng người nông dân.

Chính vì vậy, để đẩy mạnh liên kết sản xuất, bao tiêu lúa, gạo giữa doanh nghiệp và nông dân, thiết nghĩ, ngoài nhân rộng mô hình cánh đồng lớn, điều quan trọng là người nông dân mạnh dạn chia sẻ, tiếp cận và mạnh dạn rẽ lối.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *