Giá cà phê nhân hiện lên 91.200 đồng một kg, tăng 12% chỉ trong 10 ngày đầu tháng 3 và tăng 30% so với hai tháng trước đó.
Ghi nhận tại các thủ phủ cà phê cho thấy trong 8 ngày đầu tháng 3, giá cà phê nhân liên tục tăng, có lúc lên mốc kỷ lục 92.000 đồng một kg, cao hơn 10.000 đồng (khoảng 12%) so với cuối tháng 2. Chốt phiên 11/3, giá cà phê đạt mức bình quân 91.200 đồng một kg.
Trên diễn đàn kinh doanh cà phê, người trồng và thương lái cho biết khá bất ngờ vì giá mặt hàng này tăng đột biến. Cuối tháng 12/2023, giá cà phê nhân xô còn quanh mốc 70.000 đồng một kg, nay tăng gần 30% so với cuối năm ngoái.
Chị Nguyễn Hoàng Yến – thương lái thu mua cà phê ở Đăk Lăk – cho biết vụ thu hoạch cà phê niên vụ 2022-2023 đã kết thúc từ tháng 12/2023. Hiện, lượng cà phê nhân trong dân còn 30-40% nhưng giá liên tiếp tăng cao. Trước đó, lượng hàng tại cơ sở của chị cũng đã bán một nửa cho các doanh nghiệp xuất khẩu. Với mức giá tăng liên tục như hiện nay, chị cho rằng cà phê sẽ còn lập đỉnh mới thời gian tới.
Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Đăk Lăk, giá tăng đột biến do nhu cầu trên thị trường thế giới cao. Giá cà phê trong nước đang tăng”sốc” theo diễn biến quốc tế nhiều ngày qua.
Cụ thể, giá cà phê Robusta trên sàn London đã tăng gần 200 USD một tấn lên 3.381 USD cho kỳ hạn giao tháng 5. Phiên giao dịch cà phê Robusta trên sàn London ngày 10/3 lập đỉnh mới khiến giới kinh doanh cà phê bất ngờ.
Ông Đỗ Hà Nam, Phó chủ tịch Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam (VICOFA), đánh giá mức giá cà phê giao dịch trong tuần qua là “chưa từng thấy. Theo ông, lý do là nguồn cung trên thị trường giảm. Tại Việt Nam, ông Nam cho rằng nguồn cung trong dân còn trên 30%, tuy nhiên, nhiều cơ sở găm hàng khiến giá tăng nhanh.
Theo dự báo của hiệp hội này, niên vụ 2023-2024 sản lượng cà phê Việt Nam giảm 10% do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, người nông dân chuyển sang đầu tư các cây trồng có hiệu quả kinh tế cao như sầu riêng, cây ăn trái.
Tương tự, những nước sản xuất cà phê lớn như Brazil, Indonesia, Ấn Độ đều chịu ảnh hưởng do mất mùa, sản lượng giảm khoảng 10-15%.
Mới đây, ảnh hưởng của căng thẳng ở Biển Đỏ khiến giá vận chuyển sang Mỹ, EU tăng 3-5 lần. Điều này cũng tác động khiến giá cà phê tăng cao.
VICOFA cho rằng đến tháng 6, nếu các nền kinh tế lớn trên thế giới tiếp tục giảm lãi suất, xuất khẩu cà phê sẽ hưởng lợi. Bởi đây là lúc các nhà rang xay trên thế giới mua tồn kho và nhu cầu sẽ tăng cao. Do đó, giá cà phê khó đi xuống.
Số liệu của Tổ chức Cà phê Quốc tế cho thấy Việt Nam là nước đứng thứ 2 thế giới về thị phần xuất khẩu cà phê (giai đoạn tháng 2/2021-1/2022), chỉ xếp sau Brazil. Vựa cà phê lớn nhất Việt Nam là Đăk Lăk chiếm trên 30% sản lượng, với thương hiệu và chỉ dẫn địa lý “cà phê Buôn Ma Thuột” đã có mặt ở hơn 70 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Trong 45 ngày đầu năm, Việt Nam xuất gần 295.000 tấn, tăng 67% so với cùng kỳ năm ngoái và thu về 911 triệu USD. Bình quân mỗi tấn cà phê khoảng 3.100 USD, tăng 43% so cùng kỳ 2023. VICOFA dự báo năm nay xuất khẩu cà phê có thể đạt 4,5-5 tỷ USD.
Năm ngoái, kim ngạch xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt 4,24 tỷ USD, tăng 4,6% so với năm 2022 và là mức cao nhất từ trước đến nay.